Chỗ anh em thân tình, mấy bận tôi “đăng ký” gặp anh Lý Nhơn Thành nhưng anh đều bận. Bất kể thời gian nào việc tìm gặp anh Thành - Đội trưởng Bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình không phải là chuyện dễ. Anh cùng các đội viên suốt ngày có mặt trên các tuyến đường tuần tra trấn áp tội phạm, điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, bắt cướp, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ… Cao 1m8, nặng gần 100kg nhưng anh đi lại như con thoi, ngang dọc khắp các tuyến đường, có mặt mọi lúc mọi nơi khi có sự việc xảy ra. Anh em trong Ban bảo vệ dân phố và bà con thương quý gọi anh làLục Vân Tiên giữa đời thường.
Hẹn mãi mới gặp được anh trong một quán caphe nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo,vừa ngồi xuống anh đã nhanh nhẩu: đừng gọi tôi là Lý Nhơn Thành mà cứ gọi Tôi là anh Thành cô đơn, Tôi thích cái tên này vì nó đúng với cuộc sống hiện tại của tôi. Đoạn anh cười giòn khiến cho những ái ngại của tôi được xua tan.
Tôi hỏi anh: anh không buồn vì phải sống 1 mình sao?
Anh lại nhoẻn miệng cười: có chứ chị. Đôi khi cũng thấy có lỗi với “người ta” nhưng mất vợ còn có thể kiếm được vợ khác, nhưng mất đi thần tượng trong lòng các con và đánh mất đi tình cảm mà người dân giành cho mình thì không thể nào lấy lại được. Hiện tôi sống 1 mình nhưng không cô đơn. Cái nghiệp nó chọn mình rồi, không bỏ được.
Nghiệp “bao đồng”
Từ khi 9 tuổi, người đen nhẻm, nhỏ thó nhưng hễ thấy ai bị ức hiếp, hay gặp chuyện bất bình là anh lại “ra tay”. Một lần anh đang đứng trước sân, thấy tên cướp chạy ngang qua, tay lăm lăm khẩu súng, sẵn đang cầm cây búa trong tay anh phi thẳng về hướng nó, khẩu súng rơi xuống đất. Anh vừa chạy vừa hét to, náo loạn 1 khu phố, mọi người nhào tới trói tay tên cướp giao cho Công an.
Một lần khác, đang đứng trên hè phố, anh nhìn thấy gầm chiếc xe buýt đang lưu thông trên đường bốc khói. Nghi có cháy, anh chạy đến nói với chú CSGT ra hiệu lệnh dừng xe. Bác tài xế tưởng anh phá phách nên vẫn điều khiển xe chạy tiếp, anh phi ra giữa đường đứng chặn đầu xe ra hiệu cho xe dừng, rồi chạy ào vào cây xăng gần đó lôi bình chữa cháy xịt vào gầm xe. Mọi người trên xe nhốn nháo, Bác tài xế không kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, cho đến khi anh dập tắt được ngọn lửa.
Năm 23 tuổi đi công tác ở Campuchia, anh thấy có đám cháy xảy ra gần khu chợ của người Việt, đám cháy to có nguy cơ lan sang cây xăng gần đó, anh cũng “nhảy bổ” vào chữa cháy. Sau lần dập lửa đó, người anh bị thương nhiều chỗ nhưng anh thấy hạnh phúc và không hề ân hận. Đợt đó anh được nhà nước Campuchia tặng thưởng huân chương Quốc tế.
Một lần chở vợ đang mang thai, khi đang lưu thông gần chợ An Đông (quận 5), anh nghe tiếng tri hô “cướp, cướp” phía sau, nhìn kính chiếu hậu thấy hai đối tượng chạy vụt qua, tên ngồi sau đang cầm giỏ xách. Anh quên hẳn luôn vợ ngồi phía sau và đang mang bầu, cứ thế tăng ga truy đuổi, ép xe hai đối tượng vào xe taxi, buông xe bắt hai tên cướp khiến vợ bị ngã sưng chân.
Năm 2002, khi vụ cháy ITC xảy ra, anh là một trong những người có mặt sớm nhất và chứng kiến toàn bộ diễn biến vụ cháy. Khói lửa bao trùm, Anh vẫn xông vào để cứu người mặc cho lửa táp. Thế nhưng dù đã cố hết sức cùng lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, nhưng lực bất tòng tâm, hàng trăm người vẫn thiệt mạng và đó chính là nỗi ám ảnh, là động lực để anh tham gia lực lượng dân phòng như bây giờ.
Duyên nợ với Nghề
Tháng 8/2008 khi lực lượng dân phòng phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 được thành lập, anh được lãnh đạo quận động viên về phụ trách Đội Bảo vệ dân phố. Những tưởng anh chỉ tâm huyết với nghề chữa cháy, nào ngờ nhìn thấy đám thanh niên hư hỏng trong phường hàng đêm tụ tập tổ chức đua xe, đá Gà, hút chích ma tuý dưới chân cầu Calmette,anh lên phương án tổ chức vây bắt, đối tượng chống trả quyết liệt, anh gãy tay. Sau lần đó, anh thấy việc vây bắt chỉ là giải pháp tạm thời, vì triệt được tụ điểm này thì tụ điểm khác lại mọc lên. Anh lại trăn trở và thay đổi chiến thuật, tổ chức tuyên truyền vận động, quy tụ những thanh niên hư hỏng, cho đua xe nhưng sẽ đua với những đối tượng cướp giật, bắt chúng về cho anh thì sẽ được thưởng. Tưởng anh nói đùa, nào ngờ anh làm thật. Anh lại đi vay tiền, sắm khiêng, mua công cụ hỗ trợ, áo chống đạn và mũ bảo hiểm loại xịn để cho các em “đua xe với cướp”. Nhờ vậy mà anh thu phục được đám thanh niên hư hỏng đó, bỏ ma túy, bỏ đá gà, tự nguyện xin gia nhập lực lượng dân phòng. Đội dân phòng phường Nguyễn Thái Bình vững mạnh và bắt được hàng trăm vụ cướp, dập tắt được hàng trăm vụ cháy, cứu được hàng trăm người gặp tai nạn giao thông giữa đêm khuya.
Nhiều đồng nghiệp của anh nói với tôi rằng: Anh Thành là người “coi việc người như việc mình, sống chân thật. Tình nghĩa thì bao la, mà nợ thì bao quanh”.
Tôi đem câu chuyện này hỏi anh, Anh phá lên cười: người ta tự nguyện cho tôi nợ đấy chứ. Công việc của anh em dân phòng thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm, nhưng phương tiện được trang bị thật sự không đáp ứng đủ, kinh phí nhà nước thì hạn hẹp. Tôi không mua nợ rồi trả dần thì sao mà có để bảo vệ anh em an toàn khi đi tuần tra, trấn áp tội phạm được chị. Tôi mua nợ nhưng trả đầy đủ và được ngân hàng đảm bảo cho vay vì mục đích cộng đồng nên “chủ nợ” mời tôi nợ đó chứ. Nhờ đó mà tôi đã trang bị được lực lượng dân phòng phường Nguyễn Thái Bình 4 mô tô phân khối lớn, 1 ô tô tuần tra, 15 áo giáp chống đạn, 15 mũ bảo hiểm loại A2, tấm khiêng và nhiều thiết bị chữa cháy... Nhưng “người ấy” lại vì tôi nợ mà rời xa.

Anh Lý Nhơn Thành(bên phải) cùng đồng đội tham gia giữ gìn ANTT trên các tuyến đường bằng những phương tiện tự mua sắm.
Tôi lại hỏi anh: đã có phút giây nào anh ân hận vì những việc mình làm lại ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình? giọng anh bỗng dưng chùng xuống, đôi mắt vốn dĩ tinh anh nay bỗng trở nên đượm buồn. Anh kể: ngày tôi nhận quyết định ly hôn, ra đứng giữa sân toà án, Tôi reo lên: tự do rồi, thế nhưng 2 hàng nước mắt tôi cứ thế trào ra không cản được. Tôi lê từng bước nặng nề vô định về tới nhà mà quên luôn xe máy đang gửi ở Toà án. Thôi thì, mình và người ta không cùng chí hướng, không có tiếng nói chung thì giải thoát để người ta đỡ khổ vì mình.
Anh nói thêm: tuy hiện nay tôi sống một mình, vẫn ở nhà thuê, nhưng 2 con tôi đều hiểu đúng cho những việc tôi làm. Con trai tôi hiện đang học Tiến sỹ tại Hoa kỳ, con gái học Đại học y. Và đặc biệt là cả 2 đều tham gia công tác đoàn thể của trường và đều sống và hướng đến cộng động như tôi. Tôi cần gì hơn thế nữa hả chị.
Đam mê nghề chữa cháy.
Không trải qua trường lớp đào tạo bài bản nào về nghề chữa cháy, thế nhưng bất kể ai chứng kiến giây phút anh xông vào đám cháy dập lửa, cứu người và sơ cứu người bị thương để đưa đi cấp cứu đều nhầm tưởng anh là một người lính cứu hoả chuyên nghiệp, bởi mọi động tác đều thuần thục, nhanh gọn và hiệu quả. 54 tuổi thì đã có đến hơn 40 năm anh tham gia lực lượng chữa cháy cơ sở. Từ khi còn làm đội viên đến nay là người anh cả trong tuổi đời lẫn tuổi nghề của đội Bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình, anh Lý Nhơn Thành luôn yêu thương, dốc lòng “truyền nghề” cho những đội viên trẻ. Tập thể đội đã đoàn kết chung sức chung lòng dập tắt được hàng trăm vụ cháy lớn nhỏ xảy ra trên địa bàn quận.
Đồng đội anh kể: cũng vì nghề chữa cháy nó ăn sâu vào máu thịt, nên có lần anh bị người dân lầm tưởng là kẻ gian trà trộn vào đám cháy để hôi của khi anh xông vào đám cháy xảy ra ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3 để dập lửa, cứu người. Dù biết đó không thuộc địa bàn của anh phụ trách, nhưng nhìn thấy khói bốc ra từ 1 căn nhà cách chỗ anh đứng khoảng 200m, anh cũng lao vào hô hoán mọi người giúp mình chữa cháy, tự ý xông vào tiệm tạp hoá gần đó lấy bình chữa cháy mini, rồi lấy mùng mền nhúng nước để xông vào tâm lửa lôi người bị nạn ra ngoài. Mọi người đứng sững nhìn anh, không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra, cho đến khi anh gọi anh em đội BVDP phường Nguyễn Thái Bình đem xe đến chở người đi Bệnh viện cấp cứu. Sau khi lo cho người bị nạn xong xuôi, Anh quay lại hiện trường lấy xe máy thì mọi người mới tá hoả. Đặc biệt khi biết anh là BVDP thì họ cầm tay anh nói: tại anh cao to, tay lại có xăm trổ, mặc áo thun có in hình con hổ và quần rằn ri bợm trạng nên chúng tôi nhầm tưởng là dân giang hồ.

Xe chữa cháy do anh Lý Nhơn Thành sáng chế.
Cũng vì đam mê nghề chữa cháy mà anh nghiên cứu sáng chế ra chiếc xe chữa cháy mini cải tiến từ một xe máy 100 phân khối. Giải thích lý do vì sao anh giành nhiều thời gian để nghiên cứu sáng chế được xe, Anh nói: thành phố mình đất chật người đông, nhà san sát nhau, hẻm vào nhà thì nhỏ, xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Nhưng xe mô tô có gắn động cơ thì dễ tiếp cận hơn, hiệu quả chữa cháy ngay từ ban đầu sẽ đạt được cao hơn, hạn chế được thiệt hại nhiều hơn.
Cũng vì đam mê nghề chữa cháy, nhưng nhiều lần đứng trước những vụ cháy lớn nhưng lực bất tòng tâm, thấy người bị nạn kêu cứu nhưng không đủ thiết bị, phương tiện bảo hộ cho bản thân thì làm sao dám xông vào cứu được người khác, thế là anh phải tự mua sắm đồ bảo hộ, mua mặt nạ phòng độc .. bằng cách vay nợ ngân hàng và trả hàng tháng qua lương.
Anh Chiến - người dân phường Nguyễn Thái Bình, cho biết: “Bất cứ đâu xảy ra sự cố, ở đó có anh Thành. Anh đến và giải quyết mọi việc tinh thần trách nhiệm cao, từng việc làm, từng hành động ánh lên niềm đam mê nghề nghiệp, cái tâm cái tình với nhân dân.
Cuộc chuyện trò của tôi với anh đang rôm rả thì đành phải dở dang vì anh nhận được điện thoại của đồng đội báo lại có vụ việc cần anh giải quyết. Chia tay anh tôi gặng hỏi: 54 tuổi rồi, anh cũng cần phải nghỉ cho riêng mình? Vừa mở khoá xe, anh vừa nói: bao giờ thành phố không còn cháy nổ thì tôi sẽ nghỉ đến cuộc sống của riêng mình. Nói xong anh lao vút xe hoà vào dòng người ngược xuôi trên phố, tôi cung vội vàng hào và vào dòng người. Nhưng lần này tôi thấy lòng trĩu nặng. Đúng là dù anh sống 1 mình và không cảm thấy cô đơn vì bên cạnh anh luôn có đồng đội, có bà con yêu thương, trân quý. Nhưng có lễ tận sâu bên trong trái tim nhiệt huyết và đam mê với nghề ấy có nỗi buồn riêng giấu kín!
Phương Thanh