Ngày 11/12/2020, Công an huyện kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với khu dân cư 87 khu phố, ấp trên địa bàn huyện.
Từ ngày 21/12/2020 cho đến ngày 30/12/2020, Công an huyện Hóc Môn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân 12 xã – thị trấn kiểm tra 130 lượt cơ sở trong khu dân cư; phát hiện 04 lỗi, tiến hành lập 04 biên bản vi phạm và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC với lỗi không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy theo quy định tại Điểm a, Khoảng 1, Điều 37 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, với tổng số tiền là 1.400.000đ (một triệu bốn trăm nghìn đồng). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn đã tuyên truyền, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đồng thời khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót để đảm bảo an toàn PCCC góp phần hạn chế thấp nhất số vụ cháy cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy xách tay cho đối tượng là chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện
Qua đợt kiểm tra, Công an huyện Hóc Môn khuyến cáo chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ trong khu dân cư thực hiện các nội dung sau:
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC.
Phải niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng cháy trong hộ gia đình, đặc biệt là việc sử dụng điện và việc đun nấu, thực hiện chế độ kiểm tra nguồn lửa, điện, chất cháy vào thời điểm có nguy cơ cháy cao và trước khi đi ngủ.
Tổ chức tuần tra canh gác ban đêm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn, bị động bất ngờ.
Các thiết bị điện như: Aptomat, cầu chì, cầu dao, công tắc,… phải đặt cách xa khu vực nguy hiểm. Thiết bị điện được lắp đặt trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải là thiết bị điện phòng nổ. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện của toàn cơ sở, hộ gia đình, kịp thời thay thế, sửa chữa mới; kịp thời báo cho ngành điện lực khi phát hiện những sơ hở thiếu sót làm mất an toàn hệ thống lưới điện trong khu vực khu dân cư, đề phòng chập, cháy lan vào hộ gia đình.
Khi hàn, cắt, sửa chữa, cải tạo cửa hàng có sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa hoặc làm phát sinh nhiệt, lửa,…phải cử người giám sát, chuẩn bị phương tiện chữa cháy ban đầu đề phòng tia lửa bắn vào vật liệu dễ cháy, gây cháy.
Yêu cầu các hộ kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất – kinh doanh, các cơ sở phế liệu, cơ sở nguy hiểm cháy nổ cam kết thực hiện nghiêm các quy định về PCCC.
Vận động các hộ gia đình tự giác dỡ bỏ các bộ phận cơi nới, mái che bằng các vật liệu dễ cháy sát nhau hoặc thay thế vật liệu dễ cháy bằng khó cháy hoặc không cháy tạo thành khoảng cách để ngăn cháy lan. Lối thoát nạn thông thoáng phục vụ cho việc thoát nạn, tiếp cận đám cháy khi có sự cố.
Vận động mỗi gia đình tự mua sắm, trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy phù hợp kịp thời xử lý tình huống cháy ban đầu.
Tập huấn nghiệp vụ về PCCC, xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong tình huống phức tạp nhất.
Khi cháy xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, báo cháy ngay cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho lực lượng Cảnh sát PCCC 114, đồng thời sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu để cứu chữa.
Thanh Phương