Tham dự Hội nghị có Đ/c Thiếu tá Lê Tấn Châu – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Đ/c Thượng tá Lê Văn Ý – Phó Trưởng Công an Quận 12 và các đồng chí là lãnh đạo chỉ huy các đơn vị trực tiếp tham gia chữa cháy: Phòng PC07, Đội CS PCCC&CNCH Công an Quận 12, Đội CS PCCC&CNCH Công an Quận Gò Vấp, Đội CS PCCC&CNCH Công an Thành Phố Thủ Đức, Đội CS PCCC&CNCH Công an Quận Bình Thạnh.

Toàn cảnh Hội nghị
Tại cuộc họp, đồng chí Thiếu tá Nguyễn Tam Lang – Phó Đội Trưởng Đội CS PCCC&CNCH - Công an Quận 12 đã báo cáo toàn bộ diễn biến vụ cháy và công tác tổ chức triển khai chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Theo đó vào lúc 20 giờ 05 phút, ngày 03/12/2021 lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp Quận 12 đã nhận tin báo cháy từ Trung tâm chỉ huy 114 Phòng PC07, đơn vị đã nhanh chóng điều động lực lượng và phương tiện đến hiện trường. Tổ chức trinh sát đám cháy, đưa ra kỹ chiến thuật chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hiệu quả đồng thời phối hợp nhịp nhàng với Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 3, 4, Đội 3 (thuộc Phòng PC07), Đội CS PCCC&CNCH Công an Quận Gò Vấp, Đội CS PCCC&CNCH Công an Thành Phố Thủ Đức, Đội CS PCCC&CNCH Công an Quận Bình Thạnh cứu người, tài sản và dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Thiếu tá Lê Tấn Châu – Phó Trưởng phòng PC07
Cũng tại cuộc họp, các đơn vị đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ: đã làm tốt công tác trinh sát nắm tình hình quan sát đám cháy, gốc lửa, chất cháy, khả năng lan truyền của ngọn lửa, xác định vị trí lấy nước gần nhất; CBCS thường trực sẵn sàng chiến đấu tốt, xuất xe nhanh đến đám cháy kịp thời, kỹ chiến thuật chữa cháy hợp lý, phù hợp với tình hình chữa cháy. Đơn vị chi viện đã chủ động làm công tác trinh sát, nắm tình hình, tổ chức chữa cháy ngăn không cho cháy lan, cháy lớn, …

Thượng tá Lê Văn Ý – Phó Trưởng Công an Quận 12
Các ý kiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chủ yếu tập trung vào làm rõ những ưu điểm, tồn tại, hạn chế trong vụ cháy; các đơn vị đã thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, dập tắt đám cháy và bảo vệ an toàn tuyệt đối về người và tài sản của các hộ dân xung quanh; đề xuất trang bị thêm trang thiết bị bảo hộ nhằm đảm bảo an toàn cho CBCS tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các ban ngành, đoàn thể, cơ sở sản xuất và người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC; làm tốt hơn nữa vai trò quản lý về công tác PCCC của UBND, Công an cấp phường; tiếp tục làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các điều kiện về an toàn PCCC đối với các cơ sở sản xuất; cách thoát nạn trong điều kiện khói khí độc, cách xử lý và dập tắt đám cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Qua hội nghị, các đơn vị đã rút ra bài học kinh nghiệm: tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện cháy, đặc biệt là thời gian ngoài giờ hành chính; khi nhận được thông tin báo cháy cần nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp trong công tác PCCC. Thường xuyên rèn luyện sức khoẻ, tập luyện thành thục các kỹ, chiến thuật trong công tác PCCC và CNCH. Trên cơ sở các phương tiện, máy móc được trang bị cần kiểm tra, đánh giá lại và thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Tăng cường công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình các địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao để kiến nghị các giải pháp khắc phục và chủ động xây dựng các phương án chữa cháy khi có tình huống cháy nổ xảy ra. Thường xuyên trao đổi với Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an các tỉnh để học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng công tác PCCC và CNCH.