Tham dự hội nghị có đồng chí Vũ Nguyễn Quang Vinh – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1; đồng chí Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng phòng PC07 – Công an thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Nhứt – Phó trưởng Công an Quận 1 cùng các cấp Ủy ban, Đội và ban ngành trực thuộc.
Để nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và thực hiện đúng nguyên tắc được nêu trong Luật phòng cháy và chữa cháy và xây dựng thí điểm mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn quận.

Tại hội nghị, đồng chí Vũ Nguyễn Quang Vinh chỉ đạo mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng” đi vào hoạt động phải thường xuyên duy trì sinh hoạt, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để từ đó phát huy được tác dụng của mô hình; chú trọng đảm bảo điều kiện hoạt động; cụ thể hóa các hoạt động của mô hình bằng những việc làm thiết thực, tránh hình thức, chung chung; làm tốt công tác biểu dương khen thưởng nhằm động viên, khích lệ để mô hình ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, tiến tới nhân rộng, qua đó góp phần đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn Quận

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Nhứt nhấn mạnh đối với công tác chữa cháy phải xác định “thời điểm vàng" để thực hiện công tác chữa cháy không quá 05 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, cần phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ", trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân. Từ đó, việc triển khai mô hình trên là rất thiết thực và cần nhân rộng triển khai để sớm hạn chế các vụ cháy nổ xảy ra.
Các điều kiện thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng” (Căn cứ Phụ lục 1 – Văn bản 3081/CATP-PC07 ngày 12/7/2022).
1. Điều kiện đối với mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”:
- Tổ liên gia gồm từ 05 đến 15 hộ gia đình (nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau;
- Mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí CO2) và tối thiểu 01 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu….);
- Mỗi hộ gia đình lắp đặt 01 chuông báo cháy tại tầng 1 (độ cao từ 2,5m – 3m); 02 nút ấn báo cháy (01 nút ở ngoài nhà, 01 nút bên trong nhà); Các nút ấn và chuông báo cháy của các hộ trong tổ phải được liên kết với nhau (ấn bất kỳ nút nào thì chuông của các hộ gia đình cùng kêu).
- Các thành viên trông hộ gia đình cài đặt và sử dụng thành thạo App “Báo cháy 114” và “Help 114”; Trong đó cần cập nhật danh sách thành viên trong tổ liên gia để sử dụng tính năng “Tôi an toàn”.
2. Điều kiện đối với mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”
- Các ngõ hẻm tập trung nhiều nhà, chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được;
- Khoảng cách giữa hai điểm đặt phương tiện là 50m;
- Mỗi điểm chữa cháy công cộng phải được trang bị tối thiểu:
+ Quy định về quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH;
+ 02 bình bột chữa cháy loại ABC
+ Xà beng, kiềm cộng lực, búa phá dỡ (tùy điều kiện thực tế).
Đây là mô hình thực hiện nhiệm vụ trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức PCCC cho người dân và các hộ nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn; chủ động ứng phó với các sự cố cháy nổ tại chỗ một cách nhanh chóng để hạn chế tối đa thiệt hại. Từ chỗ xem công tác PCCC là nhiệm vụ của riêng lực lượng chức năng thì người dân thay đổi nhận thức, xác định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người, mọi nhà để đảm bảo an toàn trong khu dân cư.
Các thành viên trong tổ tích cực lồng ghép vận động các hộ dân trên địa bàn, nhất là các hộ nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, thực hiện đầy đủ các quy định, điều kiện an toàn về PCCC trong sinh hoạt và kinh doanh, sản xuất; vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động về phòng cháy, sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có sự cố xảy ra trên địa bàn.
Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng” đi vào hoạt động sẽ tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác PCCC./.