Trên thực tế, không ai phòng ngừa cháy, nổ tốt hơn lực lượng tại chỗ vì lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH không thể nào thường trực 24/24 trong mỗi cơ quan, doanh nghiệp hay hộ gia đình để phòng ngừa thay và xử lý thay sự cố cháy, nổ ban đầu, mới phát sinh. Khi có cháy, nổ xảy ra, sau khi nhận tin, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có nhanh đến đâu thì cũng phải mất tối thiểu một khoảng thời gian nhất định để các xe, phương tiện chữa cháy di chuyển đến hiện trường; khoảng thời gian đó có thể là 3, 4, 5 phút hoặc nhiều hơn nữa phục thuộc vào tình hình giao thông khu vực và vị trí đám cháy sát mặt đường hay trong hẻm sâu, có dễ tiếp cận hay không… và như vậy rất có thể sẽ không còn nằm trong khoảng thời gian vàng để chữa cháy hiệu quả, lúc đó ngọn lửa đã lớn, vận tốc lan nhanh, lượng khói khí độc nhiều, nhiệt độ và bức xạ nhiệt lớn... diện tích cháy lớn, thiệt hại về người và tài sản là khó lường trước.
Thêm một điều đương nhiên cần phải suy nghĩ nữa đó chính là mục đích của công tác PCCC, mỗi người chúng ta đừng nghĩ “làm PCCC cho người khác, cho địa phương hay xã hội…” như vậy sẽ dễ dẫn đến chủ quan và đối phó, mà hãy nghĩ “làm PCCC vì sinh mạng của bản thân mình và những người thân yêu; làm PCCC vì chén cơm và tài sản của bản thân mình” thì từ đó sẽ tích cực và thiết thực hơn. Nếu làm PCCC vì sinh mạng của bản thân mình và những người thân yêu đó chính là PCCC cho ngôi nhà của mình; còn làm PCCC vì chén cơm và tài sản của bản thân mình đó chính là làm PCCC tại nơi làm việc, học tập, sản xuất, kinh doanh. Và mỗi người chúng ta chỉ cần làm PCCC vì bản thân mình là đủ rồi, tại nơi ở và nơi làm việc; nếu mỗi người đều PCCC như vậy, đó chính là phong trào toàn dân PCCC. Chính vì thấy được tầm quan trọng này, Luật PCCC đã quy định “công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội PCCC cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu” và lực lượng Cảnh sát PCCC đã triển khai thực hiện phương châm 04 tại chỗ “lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư – hậu cần tại chỗ”.
Tóm lại, lực lượng tại chỗ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong công tác PCCC, lực lượng tại chỗ quyết định có cháy hay không, cháy lớn hay nhỏ… Từ nhận thức được vai trò, trách nhiệm của lực lượng tại chỗ và hiểu rõ mục đích PCCC, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, địa phương và mỗi người dân phải tích cực tham gia phòng ngừa cháy, nổ bằng công tác tự kiểm tra an toàn PCCC hàng ngày, hàng tháng: kiểm tra hệ thống điện và loại trừ các nguyên nhân gây cháy, kiểm tra khoảng cách an toàn PCCC, kiểm tra việc chấp hành nội quy PCCC, kiểm tra lối thoát nạn và các điều kiện phục vụ thoát nạn, kiểm tra lực lượng và phương tiện PCCC tại chỗ. Song song đó, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, địa phương và mỗi người dân phải tích cực dự nghe tuyên truyền, học tập và thực tập thao tác sử dụng các phương tiện PCCC đã được trang bị, thực hành kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ theo phương án đã được lập. Có như vậy sẽ hạn chế được nguy cơ xảy ra cháy, nổ và khi có cháy, nổ xảy ra thì không bị động, hoảng loạn… Và chúng ta phải khẳng định với nhau, lực lượng tại chỗ làm PCCC kịp thời, hiệu quả, tốt hơn.