
Thực tế những ngày gần đây tại nước ta liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ bắt nguồn từ sự vô tư, xem thường… của người đứng đầu các cơ sở, công nhân, người lao động ở các đơn vị có sử dụng hàn – cắt kim loại không tuân thủ các quy trình, các biện pháp về an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy, để các hạt kim loại nóng chảy bắn vào các vật liệu dễ cháy.. gây cháy lan, cháy lớn. Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với việc bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại…
Để tích cực phòng ngừa cháy, nổ do hàn – cắt kim loại gây ra, để không còn những vụ cháy thảm khốc về người và tài sản như các vụ cháy về hàn cắt kim loại đã xảy ra. Công an Quận 8 khuyến cáo như sau:
1. Đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ hàn cắt:
- Chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn, chất lượng theo quy định; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy hàn, các thiết bị phục vụ công việc hàn.
- Thợ hàn phải được đào tạo cấp chứng chỉ về hàn cắt, huấn luyện và cấp chứng chỉ về an toàn lao động; biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để kịp thời dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh. Đối với thợ hàn làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ phải được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ
- Thợ hàn phải được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, kính hàn, tạp dề, găng tay và các loại phương tiện bảo vệ khác theo quy định.
- Bố trí các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực tiến hành hàn cắt để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Bố trí người biết sử dụng phương tiện chữa cháy thường xuyên giám sát tại khu vực tổ chức hàn cắt
- Chỉ cho phép thực hiện hàn cắt khi khu vực hàn cắt đã có biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
2. Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình có hoạt động hàn cắt:
- Tuân thủ các quy định về an toàn PCCC khi tiến hành công việc hàn tại những nơi có nguy cơ cháy, nổ. Chỉ cho phép thực hiện hàn cắt khi khu vực hàn cắt đã có biện pháp bảo đảm an toàn PCCC.
- Lựa chọn ký hợp đồng với cơ sở kinh doanh dịch vụ hàn cắt có đủ năng lực (có giấy phép kinh doanh về hàn cắt; thợ hàn được cấp chứng chỉ về hàn cắt, được cấp thẻ an toàn lao động và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH, có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động cho thợ hàn…).
- Phối hợp với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ hàn cắt (nếu có) giám sát quá trình hoạt động hàn cắt, bố trí phương tiện chữa cháy ban đầu tại khu vực hàn cắt để kịp thời xử lý sự cố cháy, nổ xảy ra.
3. An toàn PCCC đối với hàn điện:
- Khi hàn cắt trên cao phải chú ý an toàn, phòng cháy cho bên dưới như làm sàn thao tác bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy và có biện pháp di dời hoặc bảo vệ các vật liệu dễ cháy phía dưới.
- Khi tiến hành công việc hàn trong các buồng, thùng, khoang bể, máy hàn điện phải để bên ngoài, bố trí người nắm vững kỹ thuật an toàn đứng ngoài giám sát. Phải tiến hành thông gió với tốc độ gió từ 0,3 đến 1,5 m/s. Phải kiểm tra bảo đảm hầm, thùng, khoang, bể kín không có hơi, khí độc, hơi khí cháy, nổ mới cho người vào hàn.
- Khi hàn điện ngoài trời, phía trên máy hàn và vị trí hàn cần có mái che bằng vật liệu không cháy. Nếu không có máy che, khi mưa phải ngừng làm việc.
- Khi hàn dưới nước, thợ hàn phải có chứng chỉ thợ lặn, nắm vững tính chất công việc và có người bên trên giám sát; thông thực hiện việc hàn nếu trên mặt nước có váng dầu, mỡ.
- Không được sử dụng hoặc bảo quản các nhiên liệu, vật liệu dễ cháy, nổ ở nơi tiến hành công việc hàn.
- Khu vực hàn điện phải cách ly với khu vực làm các công việc khác; trường hợp do yêu cầu của quy trình công nghệ, cho phép bố trí chỗ hàn cùng với khu vực làm việc khác nhưng giữa các vị trí phải đặt tấm chắn bằng vật liệu không cháy.
- Khoảng cách giữa các máy hàn không nhỏ hơn 1,5m; khoảng cách giữa các máy hàn tự động không nhỏ hơn 2m.
- Nguồn điện cung cấp cho các máy hàn phải được bảo vệ bằng cầu dao, aptomat; khi di chuyển máy hàn phải cắt nguồn điện cho máy hàn; không sửa chữa máy hàn khi đang có điện.
- Bề mặt phôi và chi tiết hàn phải khô ráo, cạo sơn, gỉ sét, làm sạch dầu, mỡ, bụi bẩn.
- Khi kết thúc công việc hàn điện , ngoài việc cắt điện máy hàn ra khỏi lưới điện, dây dẫn với kìm hàn cũng phải tháo khỏi nguồn và đặt vào giá bằng vật liệu cách điện.
4.An toàn PCCC đối với hàn hơi:
- Nhà xưởng nơi tổ chức hàn phải bảo đảm về diện tích làm việc tối thiểu 4m2/thợ hàn; chiều rộng lối đi lại nhỏ nhất 1m; chiều cao mái ít nhất 3,25m; tường, mái, sàn phải làm bằng vật liệu không cháy; bảo đảm về chiếu sáng tự nhiên, thông gió.
- Khi tiến hành công việc hàn hơi trong các buồng, thùng, khoang, bể kín phải đặt thiết bị axetylen, chai chứa axetylen và chai oxy ở bên ngoà; cử người giám sát; phải thực hiện thông gió, với tốc độ từ 0,3 đến 1,5m/s; phải kiểm tra đảm bảo trong thùng, khoang bể kín không có hơi khí độc, hơi khí cháy nổ mới cho tiến hành công việc hàn hơi.
- Tổ chức khu vực hàn cắt bảo đảm an toàn về PCCC: Vị trí hàn cắt phải cách vị trí bình khí axetylen ít nhất 10m; cách ống dẫn khí 1,5m; cách điểm trích khí ít nhất 3m. Ống dẫn khí không dài quá 20m tính từ bầu dập lửa đến mỏ hàn đối với ống mềm; có biện pháp bảo vệ không để vật đè hoặc cán qua; khi ống bị hở, rò rỉ phải được thay mới.
- Về bảo quản, vận chuyển chai chứa khí:
+ Chỉ sử dụng các chai chứa khí khi có kiểm định và còn hạn sử dụng; chai phải được ghi rõ loại khí; không sử dụng nếu không rõ thành phần.
+ Nhà chứa chai chứa khí bên ngoài phải có biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc, phải đảm bảo thông gió. Không để chung chai oxy với chai chứa khí cháy hoặc các chất oxy hóa. Đánh dấu các chai đã hết khí và phân loại để riêng.
+ Không đặt chai chứa khí tại những nơi tập trung đông người, gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, khí nóng, tia lửa.
+ Các chai chứa khí phải được đặt ở vị trí đứng và cố định chắc chắn; không để chai chứa khí tiếp xúc với nguồn lửa, kim loại nóng chảy, khí nóng hoặc dây điện, tia lửa; không để chai oxy bị dính dầu mỡ.
+ Sử dụng các phương tiện vận chuyển chai chứa khí chuyên dùng, hạn chế vận chuyển bằng tay. Không kéo lê, lăn nằm, chỉ có thể lăn chai ở trạng thái nghiêng. Bảo vệ chai, tránh va đập hoặc bị rơi. Không sử dụng chai chứa khí làm con lăn, vá đỡ.
- Phải cạo sơn bề mặt phôi, chi tiết hàn trước khi hàn, không dùng ngọn lửa hàn để đốt cháy sơn; bảo vệ kỹ ống mềm khỏi tia lửa, dầu mỡ và xỉ hàn.
- Đóng mở van chai, mỏ hàn đúng quy định khi mồi lửa, khi tắt lửa.Đối với mỏ hàn kiểu hút khi hàn phải mở van oxy trước, mở van axetylen sau. Khi thôi hàn phải đóng van theo trình tự ngược lại.
- Mở chai bằng tay một cách từ từ. Nếu trường hợp không mở được, phải trả chai lại cho nhà cung cấp và không cố mở bằng các dụng cụ khác.
- Trong quá trình hàn cắt nếu có hiện tượng rò khí phải ngừng ngay công việc, khóa van chứa khí để kiểm tra sửa chữa.
- Khi kết thúc công việc phải đóng tất cả các van ở chai, xả hết khí ra khỏi đường ống, mở van giảm áp, tháo ống dẫn ra khỏi chai, cuộn vòng lại cất vào kho theo quy định.