
Theo phân tích của các chuyên gia, quá trình hàn cắt kim loại thường phát sinh các hạt kim loại nóng chảy bắn tung tóe ra xung quanh (nhiệt độ hạt kim loại bắn ra lên tới hơn 1000°C) rất dễ gây cháy nếu gặp các vật liệu như bông vải sợi, giấy, nệm mút (nhiệt độ bắt cháy khoảng 250°C), nếu không được phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý sớm, cháy sẽ bùng lên và lan rất nhanh...
- Điển hình hình là vụ cháy vào lúc 13 giờ 30 phút, ngày 29/10/2002 tại Trung tâm thương mại Quốc tế ITC, đây là vụ cháy kinh hoàng, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người (60 chết) và tài sản được xác định là do quá trình hàn cắt kim loại gây cháy;
- Tiếp đó là vụ cháy nhà hàng Ruby (khu phố 4, phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) xảy ra vào chiều ngày 21/12/2018 khiến 7 người tử vong được xác định cũng là do quá trình hàn cắt kim loại gây ra cháy;
- Hơn thế nữa, có lẽ chúng ta không ai có thể quên được vụ cháy xảy ra vào ngày 01/11/2016 tại quán karaoke ở số 68 đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cũng do hàn cắt kim loại gây ra. Hậu quả của vụ cháy vô cùng thảm khốc khi có tới 13 người thiệt mạng. Mặt tiền 4 căn nhà cao 8 tầng bị thiêu rụi hoàn toàn. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do khi cắt bản lề cửa ở tầng 2, thợ hàn đã để tia lửa bắn lên vách, bắt cháy và ngọn lửa lan rộng;
- Và mới đây nhất, ngày 01/8/2022, 03 cán bộ chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại quán karaoke ISIS (địa chỉ 231 bờ sông Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) mà nguyên nhân ban đầu cũng được xác định do hàn cắt kim loại trong quá trình sửa chữa.
Các vụ cháy trên thêm một lần nữa cho thấy hầu hết các vụ cháy, nổ do hàn cắt kim loại được xác định là do ý thức chấp hành các quy định PCCC của người dân, người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh và người trực tiếp làm công việc hàn cắt; sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc trang bị kiến thức cơ bản nhất về vệ sinh an toàn phòng chống cháy nổ…đã gây ra những vụ cháy với hậu quả vô cùng lớn, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Trước tình hình trên, để đảm bảo tốt công tác PCCC có liên quan đến hàn cắt kim loại, giảm thiểu tối đa nguy cơ dẫn đến cháy nổ, loại bỏ thương vong về người và kéo giảm thấp nhất thiệt hại về tài sản, Công an quận Gò Vấp khuyến cao người dân cần quan tâm, hiểu rõ và thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
- Luôn mang găng tay, mặc đồ bảo hộ phù hợp. Quần áo bảo hộ phải là loại cao cổ, túi có nắp để tránh xỉ hàn bắn vào người. Giữ cho quần áo sạch sẽ, không dây dầu mỡ hay các chất cháy.
- Loại bỏ các chất dễ cháy khỏi khu vực làm việc (khoảng cách tối thiểu là 10m). Nếu được thì di chuyển công việc ra các vị trí không có chất cháy. Trong trường hợp bắt buộc phải có phương án phòng cháy cụ thể, che phủ tất cả các vật liệu dễ cháy bằng các tấm phủ chịu lửa, cử người canh chừng và trang bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy, người canh chừng phải có mặt trong suốt quá trình hàn và nửa giờ sau khi kết thúc việc hàn
- Sau khi kết thúc công việc phải kiểm tra cẩn thận tất cả các biểu hiện có thể gây cháy.
- Máy hàn và và các thiết bị phải được thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng- Khói hàn có thể gây ngộ độc, do đó phải thực hiện tốt việc thông gió. Trong mỗi điều kiện làm việc, người quản lý phải thiết lập được phiếu an toàn ghi rõ điều kiện thông gió, thiết bị bảo hộ (mặt nạ hàn, thiết bị thở, quần áo, găng tay…).
* Những nguồn có thể gây cháy do hàn cắt kim loại bao gồm:
+ Ngọn lửa hàn hơi.
+ Hồ quang điện.
+ Xỉ văng tóe.
+ Ngọn lửa thứ cấp.
+ Tia bức xạ nhiệt.
* Giải pháp tổ chức, quản lý
1. Trước hết đối với người quản lý cơ sở cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC nói chung và khi tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, cấu kiện xây dựng tại cơ sở của mình quản lý.
2. Cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn hàn lồng ghép với các buổi phổ biến kiến thức an toàn PCCC và an toàn vệ sinh lao động theo định kỳ đối với cán bộ, công nhân viên của mình.
3. Ban hành những nội qui, qui định về PCCC, về qui trình an toàn khi hàn phù hợp với đặc điểm sản xuất và đặc thù của từng cơ sở
4. Sử dụng những thợ hàn có trình độ tay nghề tốt, vừa đảm bảo chất lượng công việc, vừa tạo sự an toàn lao động và an toàn cháy, nổ khi làm việc;
5. Khi tiến hành sửa chữa mà cần phải hàn ở các khu vực có chứa chất dễ cháy, nổ, cần dừng quá trình sản xuất, tổ chức cách ly vật liệu cháy ra khỏi khu vực sửa chữa, cắt cử người hoặc trực tiếp giám sát suốt quá trình hàn và sau khi đã hàn xong ít nhất 30 phút, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy ban đầu cạnh khu vực hàn để xử lý kịp thời nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra
6. Khi tiến hành hàn cần cách ly khu vực hàn với các vật liệu cháy, di chuyển chúng ra xa khỏi vị trí hàn đến khoảng cách ít nhất 10m, đối với các cấu kiện không thể di chuyển được như xốp cách âm ở trần, tường cần che chắn bằng các vật liệu khó cháy hoặc không cháy được như các tấm tôn, thép, gỗ phủ sơn chống cháy, amiang...
7. Trước khi hàn cần kiểm tra thật kỹ khu vực xung quanh, kiểm tra các trang thiết bị sử dụng cho quá trình hàn, đối với quá trình hàn hơi như: các chai khí phải có kiểm định và còn hạn dùng và đặt cách xa khu vực có nguồn nhiệt, phải có van an toàn, đường ống dẫn khí kín và phải được bảo vệ tránh nguồn nhiệt tác động, que hàn an toàn,.. đối với quá trình hàn điện: kiểm tra máy biến áp hàn, sử dụng dây dẫn phù hợp về chủng loại và tiết diện lõi, dùng các bộ ngắt tự động chống sự cố chập điện khi hàn.
8. Thợ hàn trước khi hàn cần trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay, kính bảo vệ mắt, kiểm tra, sắp xếp gọn gàng khu vực hàn, kiểm tra sự sẵn sàng của các phương tiện chữa cháy ban đầu như nước, bình chữa cháy.
9. Kiểm tra kỹ mỏ hàn, bộ giảm áp, ống dẫn khí, các vị trí nối giữa mỏ hàn với ống nối và với chai chứa khí. Trong khi hàn không mang các thiết bị, mỏ hàn ra khỏi khu vực giành riêng cho thợ hàn, nếu giải lao cần khóa tất cả các van dẫn khí, ngắt nguồn điện đối với máy biến áp hàn, thu dọn gọn gàng dụng cụ và cấm người ngoài vào khu vực hàn hoặc sử dụng bất kỳ thiết bị nào phục vụ quá trình hàn.
10. Khi hàn hồ quang chỉ được phép cấp điện từ máy phát điện hàn, máy biến áp hàn, máy chỉnh lưu hàn. Không được phép cấp trực tiếp từ lưới điện động lực, lưới điện chiếu sáng hoặc lưới điện xe điện.
11. Khi tiến hành công việc hàn cắt trong các buồng, thùng, khoang, bể phải thực hiện thông gió, cử người theo dõi và phải có biện pháp an toàn cụ thể và được người có trách nhiệm duyệt, cho phép. Không tiến hành hàn ở các hàm, thùng, khoang, bể đang có áp suất hoặc đang chứa chất dễ cháy, nổ.
12. Nếu tiến hành hàn ở trong các hầm, thùng, khoang bể, trước khi hàn cần kiểm tra kĩ để trong đó không còn hơi khí độc, hơi khí cháy, nổ; máy hàn phải để bên ngoài, phải tiến hành thông gió với tốc độ gió từ 0,3 đến 1,5 m/s.