Để nâng cao ý thức của người dân trong công tác đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ cháy, nổ tại các loại hình kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường và các loại hình cơ sở kinh doanh tương tự , Công an quận Gò Vấp có một số khuyến cáo sau:
(1) Khi xây dựng cơ sở kinh doanh karaoke có chiều cao từ 3 tầng trở lên, tổng khối tích từ 1.500 m3 phải lập hồ sơ thiết kế phòng cháy và gửi cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH để thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC trước khi đưa cơ sở vào hoạt động.
(2) Đối với cơ sở kinh doanh karaoke có khối tích dưới 1.500 m3 phải trang bị phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.
(3) Biển quảng cáo bên ngoài không che kín toàn bộ nhà, công trình, che lấp các lối thoát nạn, ban công, vật liệu sử dụng phải là vật liệu không cháy, phù hợp với các quy định…Tường ngăn giữa hành lang và các gian phòng phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; mỗi tầng của nhà phải có ít nhất 2 lối thoát nạn. Đối với các gian phòng có diện tích lớn hơn 50m2 phải có ít nhất 2 lối thoát nạn và lối thoát nạn đi vào thang bộ phải có cửa ngăn cháy.
Yêu cầu: 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải có lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt…).
(4) Các chủ cơ sở kinh doanh karaoke phải thực hiện việc trang thiết bị phương tiện PCCC; công tác PCCC đối với cơ sở thuộc phạm vi quản lý, cụ thể được quy định tại Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Các cơ sở karaoke thuộc dạng công trình tập trung đông người bắt buộc phải bố trí đủ 2 lối ra thoát nạn an toàn.
(5) Xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ, đề ra tình huống phức tạp nhất nhằm phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn khi có sự cố xảy ra, đặc biệt chú trọng công tác thoát nạn, cứu nạn tại cơ sở.
(6) Tổ chức huấn luyện cho những người sống và làm việc trong cơ sở theo phương án đã đề ra, hướng dẫn họ sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị và kỹ năng thoát nạn khi có cháy.
(7) Niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, trang bị đầy đủ bình chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn tại nơi quy định; trang bị thang dây thoát nạn, dây thả chậm tại ban công, lô gia hoặc tầng mái của cơ sở; trang bị búa, rìu, phương tiện phá dỡ đặt ở bên trong cơ sở.
(8) Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng. Đường dây dẫn điện phải đi trong ống gen bảo vệ và phải tính toán đủ tiết diện đảm bảo cấp cho các thiết bị tiêu thụ (trong đó phải tính đến cả dự phòng), trước các thiết bị tiêu thụ dòng điện lớn phải có attomat bảo vệ; lắp đặt bổ sung thiết bị ngắt mạch khi có sự cố chập điện (bảo vệ quá tải và chống rò) để đảm bảo ngắt mạch một cách thông minh những nguyên nhân gây cháy do chập điện.
(9) Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo che lấp các ban công, lô gia của cơ sở; tầng sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái.
(10) Vật liệu dùng để trang trí, ốp trần, tường cách âm cho các gian phòng đặc biệt là phòng hát karaoke cần trang bị bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy, bên trong các vật liệu trang trí này không nên lắp đặt quá nhiều các đèn chiếu sáng,…
(11) Thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý các chất dễ gây cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Tăng cường tự kiểm tra hệ thống điện, thiết bị âm thanh, ánh sáng, điều hoà nhiệt độ, đèn quảng cáo, phương tiện chữa cháy… để kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót nhằm hạn chế nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
(12) Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, triệt để tuân thủ các quy định về PCCC, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.