Tại các khu dân cư, nhà ở thường được thiết kế xây dựng theo dạng hình ống liền kề, san sát nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan. Việc không có lối thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra đã khiến cho nhiều vụ cháy dù không lớn nhưng lại gây thiệt hại lớn về người. Hơn nữa, các vụ cháy ở khu dân cư thường xảy ra vào thời điểm ban đêm, lúc này các nạn nhân ngủ say nên khi phát hiện cháy thì ngọn lửa đã bùng lên dữ dội.
Đặc biệt nguy hiểm hơn đối với nhà dân khi vừa kết hợp ở với sản xuất, kinh doanh, đồ đạc, hàng hóa nhiều, chất chồng phía trước, nếu xảy ra cháy, không những chặn đường thoát hiểm mà nguy cơ ngọn lửa sẽ còn lan nhanh hơn đồng thời gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng tiếp cận kịp thời để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Mặc dù, công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy hàng năm vẫn được các địa phương triển khai mạnh mẽ, tuy nhiên ý thức chấp hành về quy định an toàn phòng cháy chữa cháy của chủ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế. Hơn nữa, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy đối với các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh còn lơ là, chủ quan, thiếu chặt chẽ nên cũng có nguy cơ cháy nổ cao.
Để bảo đảm an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, Chủ tịch UBND cấp xã, trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố cần quan tâm tổ chức thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
1. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC. Xây dựng các nội quy, quy định, các mô hình “khu dân cư an toàn PCCC”, “Khu tự quản đảm bảo an ninh trật tự và PCCC”, quy định chế độ kiểm tra và nhắc nhở lẫn nhau giữa các gia đình trong cụm, tạo nên một phong trào hoạt động PCCC có hiệu quả ở khu dân cư.
2. Kiểm tra chặt chẽ và yêu cầu các hộ gia đình, đặc biệt là hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy xen lẫn trong khu dân cư cam kết thực hiện nghiêm các quy định về PCCC. Thường xuyên tổ chức lực lượng tại chỗ tuần tra canh gác ban đêm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn và bị động.
3. Xây dựng mới hoặc bổ sung phương án chữa cháy khu dân cư. Phương án chữa cháy cần được tổ chức nghiên cứu, thực tập với các tình huống sát thực tế nhằm chủ động đối phó với các vụ cháy xảy ra trên địa bàn. Trong phương án cần tính đến khả năng phải phá dỡ những hạng mục, công trình, nhà cửa để ngăn chặn cháy lan.
4. Vận động các hộ gia đình tự giác dỡ bỏ các bộ phận cơi nới, lều lán, mái vảy bằng các vật liệu dễ cháy sát nhau hoặc thay thế bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy, trước hết làm theo từng dãy tạo thành khoảng cách để ngăn cháy lan. Đồng thời tiến hành tháo dỡ các vật cản trên các đường làng, ngõ xóm để tạo điều kiện cho việc chữa cháy, cứu người, cứu tài sản. Vận động các hộ gia đình dự trữ nước sinh hoạt kết hợp để chữa cháy. Nơi nào có điều kiện thì tổ chức xây bể nước chữa cháy cho từng cụm hoặc cho cả khu dân cư.
5. Vận động mỗi hộ gia đình nên trang bị một số phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, xô, thùng xách nước, phương tiện cứu nạn, cứu hộ (mặt nạ lọc độc, dây tự cứu, thang dây, dụng cụ phá dỡ thô sơ…); hệ thống hoặc thiết bị báo cháy cục bộ, hệ thống chữa cháy bằng nước… phù hợp với quy mô tính chất, đặc điểm của nhà. Trường hợp nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh thì các khu vực sản xuất, kinh doanh phải trang bị phương tiện PCCC, CNCH theo quy định của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của nhà.