
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của đội ngũ cán bộ làm công tác huấn luyện, nâng cao sức chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, góp phần xây dựng đơn vị chính quy tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Với bản chất đặc thù là chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, mọi hoạt động tham gia chữa cháy phải cần có sự cẩn trọng, an toàn. Cán bộ chiến sĩ phải linh hoạt, chuyên nghiệp, xử lý tốt các tình huống như đội hình buộc tháo nút dây khi gặp những tình huống phức tạp, đội hình triển khai phương tiện chiến đấu, đội hình lăng B lên cao...Vì thế Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Khu vực 2 luôn tăng cường kiểm tra giám sát công tác, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chữa cháy & cứu nạn cứu hộ cho cán bộ chiến sỹ. Tăng cường công tác huấn luyện chiến đấu nhằm nâng cao, thể lực, thể chất góp phần đáp ứng nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Từ đó giúp toàn thể cán bộ chiến sĩ trao dồi kỹ năng sử dụng thành thạo, ứng dụng tốt các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và trong công tác một cách linh hoạt, đạt hiệu quả cao. Không chỉ tăng cường huấn luyện cho cán bộ chiến sỹ trong đơn vị mà còn tăng cường tham gia huấn luyện cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở trên địa bàn quản lý theo kế hoạch phân công nhiệm vụ của ban chỉ huy Phòng PC07.

Trên cơ sở nội dung lý thuyết đã được học, công tác huấn luyện thực hành rất quan trọng, chiếm 70% trong tổng số thời gian huấn luyện trong kế hoạch, nhằm giúp CBCS đặc biệt các chiến sĩ nghĩa vụ khóa mới CS25 thông thạo, nhuần nhuyễn, nhanh nhạy khi áp dụng các phương pháp, biện pháp chữa cháy, cứu người bị nạn, cứu tài sản, sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Cán bộ chiến sĩ được huấn luyện các đội hình chữa cháy chiến đấu cơ bản nhất như đội hình 1 lăng B lên cao, đội hình 2 lăng A, đội hình 2 lăng B và đội hình chiến đấu trong các trường hợp đặc biệt thiếu phương tiện, thiếu chất chữa cháy, địa hình đám cháy phức tạp. Song song đó, đơn vị cũng tập trung huấn luyện cán bộ chiến sĩ các kỹ chiến thuật chữa cháy trong điều kiện hẽm sâu ở các nhà ở, khu dân cư tập trung đông người; nhà cao tầng; chợ, trung tâm thương mại, công trình ngầm, siêu thị, cảng, nhà ga; khu công nghiệp; kho xăng dầu, kho hoá chất, cơ sở có diện tích lớn …
Để công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đạt hiệu quả cao và tránh rủi ro, tai nạn, đòi hỏi người lính cứu hỏa phải vững về tâm lý, giỏi về nghiệp vụ, đặc biệt là phải có thể lực tốt. Vì vậy, quá trình tập luyện, ban chỉ huy Đội và các cán bộ huấn luyện luôn chú trọng triển khai các đội hình leo thang, vượt chướng ngại vật đồng thời thường xuyên kết hợp với thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại cơ sở, để từ thực tế, rèn luyện cán bộ chiến sĩ bản lĩnh, khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy khi đối mặt với những nguy hiểm.
Ngoài việc được huấn luyện thực hành các đội hình chữa cháy cơ bản, cán bộ chiến sĩ sẽ được huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ. Nội dung huấn luyện công tác cứu nạn, cứu hộ là cán bộ chiến sĩ vận hành, sử dụng thành thạo bình khí tài, các động tác cứu người bằng tay không; các nút dây cơ bản như tạo nút chữ O, tạo nút thắt số 8 vòng kép, tạo nút thắt thuyền chài, thu hồi dây, buộc nút dây đơn, dây đôi vào cấu kiện, buộc dây cứu người và phương pháp, cách thức tự cứu và cứu người bị nạn trong đám cháy nhà cao tầng, công trình ngầm, trong đường hầm, dưới tầng hầm có nhiều khói, khí độc. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ sẽ được học tập và huấn luyện lý thuyết và cách thức vận hành các phương tiện chiến đấu trên xe chữa cháy, xe cứu hộ, xe chữa cháy đa năng như máy bơm chữa cháy, máy phát điện, máy nén khí, máy thủy lực, máy tách thủy lực, máy cắt thủy lực, quạt hút khói, bộ cứu thương, đèn chiếu sáng di động. Đồng thời, học tập tính năng, tác dụng, cách sử dụng và cách bảo quản, bảo dưỡng một số phương tiện được trang bị trên các loại xe tại đơn vị.