Mới nhất là vụ cháy xe tải BKS: 51C-826.59 trên đường Cộng Hòa, Phường 15, quận Tân Bình xảy ra lúc 20 giờ 55 phút ngày 23/7/2017. Anh Ngô Văn Đồng (32 tuổi, quê Bình Định) – tài xế xe tải cho biết: “Tôi đang điều khiển xe lưu thông trên đường Cộng Hòa hướng từ ngã tư An Sương về hướng công viên Hoàng Văn Thụ thì phát hiện khói tỏa ra từ khoang máy dưới cabin, liền dừng xe thoát ra ngoài rồi tri hô mọi người hỗ trợ cứu chữa nhưng không thành”. Ít phút sau, Phòng Cảnh sát PC&CC Quận 11 có mặt dập tắt đám cháy, tuy nhiên toàn bộ đầu xe bị thiêu rụi, nguyên nhân cháy nhiều khả năng do sự cố điện.

Xe tải BKS: 51C-826.59 bị cháy trên đường Cộng Hòa (Nguồn: Internet)
Trước đó một tuần, khoảng 00 giờ 34 phút ngày 20/07/2017, xe đầu kéo BKS: 61C-126.06 do tài xế Phạm Văn Tin (sinh năm 1985, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) điều khiển tại Cảng ICD Phước Long 3 (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) thì phát cháy tại bảng điện điều khiển trong cabin. Anh Tin vội lấy nước để trong cabin để tạt vào chỗ cháy, đồng thời nhân viên cảng cũng lấy bình chữa cháy dập lửa nhưng không hiệu quả nên điện báo 114. Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PC&CC Quận 9 đã triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường khống chế đám cháy. Thiệt hại ước tính khoảng 220.000.000 đồng, nguyên nhân cháy nhiều khả năng do sự cố điện từ hộp điều khiển.

Xe đầu kéo BKS: 61C-126.06 bị cháy tại cảng Phước Long 3
Ngày 29/06/2017 là trường hợp xe đầu kéo BKS: 51D - 050.45 đang lưu thông trên cao tốc Thành phồ Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây theo hướng từ Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh đến cầu Long Thành thì bị cháy. Vụ cháy gây thiệt hại 08 bánh xe và một số cấu kiện khác ước tính khoảng 77.000.000đ, nguyên nhân cháy là do sự cố điện tại đèn đường dây điện đèn xi-nhan.

Xe đầu kéo BKS: 51D - 050.45 bị cháy trên cầu Long Thành
Các xe bị cháy có đặc điểm chung là đang lưu thông trên đường và cùng do sự cố điện. Điều này làm nhiều người đặt ra dấu hỏi về an toàn cháy nổ đối với hệ thống điện của xe ô tô tải, xe đầu kéo. Tuy nhiên qua các vụ cháy trên và nhiều vụ cháy xảy ra trước đó thấy rằng, đa phần các xe bị cháy đều là xe đã cũ được mua đi bán lại và đã sửa chữa, thay thế hệ thống điện. Với các trung tâm sửa chữa xe kém uy tín, đội ngũ thợ sửa chữa chưa đáp ứng được trình độ kỹ thuật, trong khi thiết bị điện không chính hãng, thiếu đồng bộ… cộng với môi trường, đường sá và thời tiết ở nước ta không đảm bảo chính là tác nhân gây ra các sự cố điện của dòng xe tải. Ngoài ra, với việc khai thác tối đa công suất phương tiện nhưng thiếu vệ sinh, bảo dưỡng cũng là điều kiện thuận lợi cho các hư hỏng của đường dây, thiết bị điện xe “sinh sôi, phát triển”.
Để đảm bảo an toàn cho người cũng như phương tiện vận tải, các chủ phương tiện cũng như tài xế cần phải được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC. Phương tiện phải được trang bị đầy đủ bình chữa cháy và các thiết bị cứu hộ. Bên cạnh đó, chủ xe khi mua phải nắm rõ nguồn gốc xuất xứ, không nên mua xe sắp “hết đát”, xe đã qua mông má, làm lại hệ thống điện… Khi sử dụng không nên “bắt” xe “cày ải” liên tục và “quá sức” mà bố trí thời gian vận tải và nghỉ ngơi phù hợp; định kỳ vệ sinh, bảo dưỡng xe và thay thế thiết bị điện chính hãng, đồng bộ …, đồng thời nên đến những gara ô tô có thương hiệu, uy tín với đội ngũ nhân viên có tay nghề...
Lê Anh Quân