Những người bị thương gồm: Anh N. Đ. Hòa (sinh năm 1982), là tài xế xe bồn chở khí NH3; chị N. T. Hường (sinh năm 1989), là nhân viên Trạm chiết nạp; anh T. Sanh (sinh năm 1989), là nhân viên Trạm chiết nạp và bà L. T. Dứt (sinh năm 1958), người đi đường.
Một nhân chứng cho biết: khoảng 09 giờ ngày 10/10/2017, anh Nguyễn Đình Hòa đánh xe bồn chở Amoniac hóa lỏng tới giao cho Trạm chiết nạp Amoniac của Công ty TNHH Vĩnh Lộc. Sau khi cùng 01 nhân viên công ty Vĩnh Lộc thao tác nối vòi từ xe bồn với bồn chứa của Công ty Vĩnh Lộc, anh Hòa mở máy bơm Amoniac lỏng qua bồn. Được chừng 05 phút, đột nhiên khớp nối đường vòi với miệng xả xe bồn bung ra,dung dịch Amoniac bắn vào mặt làm anh Hòa bị bỏng, còn nhân viên kia chạy thoát. Hai nhân viên công ty Vĩnh Lộc làm việc tại văn phòng cạnh vị trí xảy ra sự cố là anh Sanh và chị Hường vội vàng chạy ra ngoài nhưng bị ngạt khí và bỏng da, một số nhân viên khác đang chiết nạp Amoniac phía sau hốt hoảng leo rào thoát ra ngoài.

Cây cối trong khuôn viên trạm chiết nạp Amoniac khô trụi lá
Nguyên nhân sự cố được cho là do thao tác nối đường vòi với miệng xả của xe bồn, anh Hòa không khóa chặt khớp, khi bơm Amoniac, áp suất cao làm bung khớp nối làm Amoniac từ trong xe bồn phun ra ngoài.

Các bồn chứa Amoniac
Bản thân amoniac không phải là chất dễ bắt lửa và không duy trì sự cháy. Nhiệt độ bốc cháy của NH3 khá cao: 651oC khi có sắt xúc tác và 850oC khi không có chất xúc tác; có thể tạo hốn hợp nổ với không khí khi nồng độ amoniac trong hỗn hợp là 16-28%. Còn dung dịch NH3 trong nước an toàn hơn amoniac lỏng do không cháy, không gây nổ. Tuy nhiên, Amoniac là chất rất háo nước (tạn nhiều trong nước) nên khi tiếp xúc với con người, động vật, cây cối, lập tức nó “lấy nước” làm con người và động vật bị khô rát da và bỏng đường hô hấp, thậm chí suy hô hấp và tử vong, còn cây cối bị khô lá và cành non. Bên cạnh đó, Amoniac hóa lỏng ở -33.4°C nên dễ gây bỏng lạnh. Mặt khác, Amoniac nhẹ hơn không khí nên khuếch tán rất nhanh và ảnh hưởng trong một phạm vi rộng.
Bởi vậy, thao tác an toàn với Amoniac (NH3) lỏng cần lưu ý:
- Tại các vị trí có nguy cơ rò rỉ NH3 cần phải có hệ thống cảnh báo. Và các phương tiện xử lý sự cố, cấp cứu (nước, bình bọt, v.v…). Nếu chẳng may amoniac lỏng tiếp xúc vào da hoặc mắt cần được rửa ngay bằng nhiều nước nguội (15 phút) và đưa gấp nạn nhân đến trạm y tế, bệnh viện cứu chữa.
- Những người làm việc với NH3 lỏng phải được đào tạo về chuyên môn và về cách xử lý các sự cố liên quan.
- Người làm việc cần đeo mặt nạ (hoặc kính đeo mắt và khẩu trang ướt), đi ủng và găng tay cao su butyl để phòng hộ. Khi thao tác cần đứng tại vị trí ngược hướng gió với nguồn NH3.
- Không làm việc với NH3 lỏng hoặc để bình chứa NH3 lỏng ở khu vực có nhiệt độ cao trên 50°C hoặc gần lửa, không phơi nắng quá lâu các bình chứa NH3.
- Khi làm việc với NH3 cần phải kiểm tra bình chứa, van, vòi dẫn NH3. Nếu phát hiện các bất thường liên quan đến sự nguy hiểm cần ngay lập tức dừng thao tác và tìm các biện pháp xử lý kịp thời. Lượng hơi NH3 trong không khí có thể được loại trừ bằng cách dùng nước phun sương.
- Khi phát hiện hiện tường rò rỉ khí NH3 cần nhanh chóng khóa các van đường ống dẫn tới vị trí rò rỉ, mở quạt thông gió và dùng nước phun mưa toàn bộ hệ thống để hòa tan và pha loãng NH3. Đồng thời phải nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực rò rỉ theo hướng ngược chiều gió bằng cách chạy (nếu nồng độ Amoniac thấp) hoặc bò thấp, trườn để tránh luồng NH3, bịt mũi bằng khẩu trang ướt và rời khỏi nơi ô nhiễm.
- Trong trường hợp sự cố van bình bị hỏng và có một lượng lớn NH3 lỏng bị thoát ra, có thể dùng đất, cát để ngăn hoặc đào hố chứa NH3 lỏng để giảm khả năng tràn rộng, hạn chế sự bốc hơi hoặc xả nước hòa tan Amoniac. Có thể dùng bình bọt cứu hỏa hoặc tấm nhựa để che lên bề mặt NH3 lỏng
Lê Anh Quân