
Kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định đảm bảo an toàn PCCC
Qua công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận thấy các cơ sở đã lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thực hiện việc thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC; lực lượng chữa cháy tại chỗ được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; tổ chức thực tập PCCC định kỳ; đảm bảo về khoảng cách an toàn PCCC, ngăn cháy, thoát nạn; có niêm yết nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm; mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; các phương tiện PCCC được kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng định kỳ; hệ thống điện đảm bảo theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn một vài cơ sở còn hạn chế, thiếu sót, như:
Công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở đã được duy trì thường xuyên, tuy nhiên nội dung kiểm tra còn sơ sài chưa cụ thể, không phát hiện được tồn tại, thiếu sót. Việc tự kiểm tra an toàn PCCC chủ yếu mang tính hình thức nên hiệu quả không cao.
Công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thực tập phương án chữa cháy được tổ chức định kỳ hàng năm, tuy nhiên việc tổ chức và tham gia của một số cơ sở nhiều lúc còn chưa đạt yêu cầu đề ra; lực lượng PCCC cơ sở có thành lập nhưng nhân sự thường xuyên thay đổi chưa kiện toàn và tập huấn nghiệp vụ PCCC do đó khả năng sử dụng các phương tiện PCCC tại chỗ chưa thành thạo, còn lúng túng.
Việc đầu tư, lắp đặt phương tiện PCCC của cơ sở còn thiếu, chưa phù hợp tính chất hoạt động của cơ sở; công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC vẫn còn cơ sở chưa thực hiện theo quy định.
Một số cơ sở chưa lập phương án cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ.
Kiểm tra việc sử dụng phương tiện PCCC tại chỗ của lực lượng PCCC cơ sở
Qua đợt kiểm tra, Công an huyện khuyến cáo người đứng đầu các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh lĩnh vực xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) thực hiện các nội dung sau:
1. Phải niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, cấm sử dụng điện thoại di động, tắt máy xe khi bơm nhiên liệu, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ.
2. Các thiết bị điện như: Aptomat, cầu chì, cầu dao, công tắc,… phải đặt cách xa khu vực nguy hiểm. Thiết bị điện được lắp đặt trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải là thiết bị điện phòng nổ.
3. Khi tiến hành nhập xăng, dầu từ xe bồn vào bể chứa của cửa hàng phải tạm ngưng việc kinh doanh cho đến khi việc nhập nguyên liệu hoàn tất; phân công người giám sát, đảm bảo an toàn suốt thời gian nhập; không xuất, nhập hoặc bơm chuyển xăng, dầu khi trời có sấm sét.
4. Khi sửa chữa, cải tạo cửa hàng có sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa hoặc làm phát sinh nhiệt, lửa,… phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn PCCC được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được tiến hành thi công và phải triển khai thực hiện phương án đó trong suốt quá trình thi công, đồng thời phải tổ chức thiết kế để được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định.
5. Khi vệ sinh bể chứa xăng, dầu phải lập phương án cụ thể và phổ biến cho nhân viên; sử dụng trang phục, phương tiện phù hợp để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thực hiện.
6. Người làm việc tại cơ sở kinh doanh xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) phải được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.
7. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.
8. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong tình huống phức tạp nhất.
9. Khi cháy xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, báo cháy ngay cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho lực lượng Cảnh sát PCCC 114, đồng thời sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu để cứu chữa.
Thanh Tòng